Nhân vật quyền lực Hermann_Göring

Vào thời điểm Hitler trở thành Thủ tướng Đức vào tháng 1 năm 1933, Göring đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng không bộ, Bộ trưởng Nội vụ Phổ và Ủy viên Hàng không Đế chế.[50] Wilhelm Frick được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ Đế chế. Frick và lãnh đạo Schutzstaffel (SS) Heinrich Himmler mong muốn tạo ra một lực lượng cảnh sát thống nhất trên toàn nước Đức, nhưng vào ngày 30 tháng 11 năm 1933 Göring đã thành lập ra lực lượng cảnh sát Phổ với người đứng đầu là Rudolf Diels. Tên gọi của lực lượng này là Geheime Staatspolizei, hay Gestapo. Göring, với suy nghĩ rằng Diels không có đủ sự tàn nhẫn để sử dụng Gestapo một cách hiệu quả chống lại quyền lực của SA, đã bàn giao quyền kiểm soát lực lượng này cho Himmler vào ngày 20 tháng 4 năm 1934.[51] Đến thời điểm đó, SA đã có hơn hai triệu thành viên.[52]

Lúc này, Hitler quan ngại sâu sắc rằng Ernst Röhm, thủ lĩnh của SA, đang lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính. Himmler và Reinhard Heydrich cùng bày mưu với Göring dùng Gestapo và SS để đè bẹp SA. Những thành viên của SA đã phát hiện ra hoạt động được đề xuất này và hàng ngàn người trong số họ đã xuống đường biểu tình bạo động vào đêm ngày 29 tháng 6 năm 1934. Hitler rất giận dữ về điều này và ra lệnh bắt giữ thủ lĩnh SA. Röhm sau khi từ chối tự sát đã bị bắn chết trong buồng giam. Göring thì đích thân rà soát danh sách các tù nhân với số lượng lên đến hàng ngàn và xác định những người cần phải bị hành quyết. Đã có ít nhất 85 người bị giết trong các ngày từ 30 tháng 6 đến 2 tháng 7, một cuộc thanh trừng được biết đến với tên gọi Đêm của những con dao dài.[53] Vào ngày 13 tháng 7, tại Nghị viện, Hitler thừa nhận cuộc tàn sát này là hoàn toàn phi pháp, nhưng cáo buộc đã có một âm mưu được tiến hành để lật đổ chế độ. Một luật hồi tố được thông qua khiến vụ việc trở nên hợp pháp, và bất kỳ sự chỉ trích nào sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ.[54]

Một trong những điều khoản của Hòa ước Versailles được đặt ra kể từ khi thế chiến thứ nhất kết thúc tuyên bố rằng nước Đức không được phép duy trì một lực lượng không quân. Sau khi hiệp định Kellogg–Briand được ký kết vào năm 1928, máy bay của cảnh sát được cho phép. Vào năm 1933 Göring được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông Hàng không. Nước Đức bắt đầu tích lũy dần số lượng máy bay, vi phạm Hòa ước, và đến năm 1935 sự tồn tại của Luftwaffe đã chính thức được thừa nhận,[55] với Göring giữ chức Bộ trưởng Hàng không Đế chế.[56]

Göring trong Tuần lễ Xanh Quốc tế tại Berlin (Grüne Woche) năm 1937

Trong một cuộc họp nội các vào tháng 9 năm 1936, Göring và Hitler ra thông báo rằng chương trình tái vũ trang của Đức cần phải được tăng tốc. Để thực thi nhiệm vụ này, Hitler bổ nhiệm Göring làm Toàn quyền phụ trách Kế hoạch bốn năm vào ngày 18 tháng 10. Göring đã tạo ra một tổ chức mới để quản lý kế hoạch và lôi kéo các bộ lao động và nông nghiệp về dưới trướng của mình. Ông bỏ qua bộ kinh tế trong các quyết định tạo ra chính sách, điều này dẫn đến sự bất mãn của Hjalmar Schacht, bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế. Những nguồn kinh phí rất lớn đã được đầu tư cho hoạt động tái vũ trang bất chấp mức thâm hụt ngày càng tăng.[57] Schacht từ chức vào ngày 8 tháng 12 năm 1937,[58] lên thay cho vị trí của ông là người nắm quyền kiểm soát Reichsbank (ngân hàng trung ương), Walther Funk. Theo đó, cả hai tổ chức đều được đặt dưới sự kiểm soát của Göring và dưới sự bảo trợ của Kế hoạch bốn năm.[59] Vào tháng 7 năm 1937, tập đoàn công nghiệp Reichswerke Hermann Göring được thành lập và nó thuộc sở hữu của nhà nước, mặc dù người đứng đầu là Göring, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất thép vượt qua mức mà doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp về mặt kinh tế.[60]

Trong năm 1938, Göring tham gia vào cuộc khủng hoảng Blomberg–Fritsch, vụ việc dẫn đến sự từ chức của Bộ trưởng Chiến tranh, Thống chế Werner von Blomberg, và tư lệnh lục quân, tướng Werner von Fritsch. Göring đã đến dự với tư cách nhân chứng tại đám cưới của Blomberg với Margarethe Gruhn, một nhân viên đánh máy 26 tuổi, vào ngày 12 tháng 1 năm 1938. Theo như thông tin từ phía cảnh sát cho thấy cô dâu trẻ là một gái mại dâm.[61] Göring cảm thấy bắt buộc phải nói với Hitler, nhưng cũng xem sự kiện này như một cơ hội để loại trừ vị thống chế. Blomberg buộc phải từ chức. Göring không muốn Fritsch được bổ nhiệm thay cho vị trí của Blomberg để trở thành cấp trên của mình. Vài ngày sau, Heydrich tiết lộ một hồ sơ về Fritsch trong đó chứa những cáo buộc về hoạt động tình dục đồng giới và tống tiền. Dù về sau những thông tin này đã được chứng minh là không chính xác, Fritsch đã mất đi sự tín nhiệm của Hitler và bị buộc phải từ chức.[62] Hitler lợi dụng các vụ sa thải như một dịp để cải tổ bộ máy lãnh đạo của quân đội. Göring yêu cầu được giữ chức Bộ trưởng Chiến tranh, nhưng bị bác bỏ; thay vào đó ông được bổ nhiệm cấp bậc thống chế. Hitler lên làm tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang và tạo ra các chức vụ dưới quyền để đứng đầu ba nhánh chính của quân chủng (lục quân, không quân và hải quân).[63]

Adolf Hitler cùng với Göring đứng trên ban công của Phủ Thủ tướng tại Berlin, ảnh chụp ngày 16 tháng 3 năm 1938
Bài chi tiết: Anschluss

Với tư cách bộ trưởng phụ trách Kế hoạch bốn năm, Göring trở nên quan ngại với tình trạng thiếu hụt những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Đức, và ông bắt đầu thúc đẩy việc hợp nhất Áo vào Đế chế Thứ ba. Tỉnh Styria có các mỏ quặng sắt dồi dào, và toàn bộ quốc gia này là ngôi nhà của nhiều lao động lành nghề, đó là những yếu tố hữu dụng. Hitler thì luôn ủng hộ một sự sáp nhập với Áo, quê hương của ông ta. Vào ngày 12 tháng 2 năm 1938 Hitler có cuộc gặp với Thủ tướng Áo Kurt Schuschnigg, trong đó đe dọa về một cuộc xâm lược nếu như nền hòa bình thống nhất không xuất hiện trong tương lai gần. Đảng Quốc xã được tạo dựng hợp pháp ở Áo để có một nền tảng quyền lực, và một cuộc trưng cầu dân ý về thống nhất đất nước được dự kiến tiến hành vào tháng ba. Khi mà Hitler không chấp nhận lời lẽ của cuộc bỏ phiếu, Göring đã gọi điện cho Schuschnigg và người đứng đầu nhà nước Áo Wilhelm Miklas để yêu cầu Schuschnigg từ chức, với đe dọa về sự xâm lăng của quân đội Đức và tình trạng bất ổn dân sự đến từ những thành viên của Đảng Quốc xã Áo. Schuschnigg từ chức vào ngày 11 tháng 3 và cuộc trưng cầu dân ý bị hủy bỏ. Đến 5:30 sáng hôm sau, số quân Đức tập trung đông ở biên giới đã hành quân tiến vào Áo mà không gặp phải sự kháng cự nào.[64]

Mặc dù Joachim von Ribbentrop là người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 2 năm 1938, Göring vẫn tiếp tục can dự vào các vấn đề ngoại giao.[49] Vào tháng 7 cùng năm, ông liên hệ với chính phủ Anh bày tỏ ý định thực hiện một chuyến thăm chính thức để bàn luận về những dự định của Đức đối với Tiệp Khắc. Thủ tướng Anh Neville Chamberlain ủng hộ một cuộc gặp và chủ đề chính của cuộc trò chuyện là một bản hiệp ước được ký kết giữa Anh và Đức. Vào tháng 2 năm 1938, Göring đến Warsaw để dập tắt những tin đồn về một cuộc xâm lăng Ba Lan sắp sửa diễn ra. Ông cũng đã có các cuộc hội đàm với chính phủ Hungary trong mùa hè năm đó, bàn về vai trò tiềm năng của họ trong cuộc xâm lược Tiệp Khắc. Tại Đại hội Nuremberg diễn ra vào tháng 9, Göring và những phát ngôn viên khác đã lên án người Séc như là một chủng tộc hạ đẳng cần phải bị chinh phục.[65] Trong khi đó Chamberlain cùng Hitler đã có một loạt các cuộc hội đàm dẫn đến việc ký kết Hiệp định Munich vào ngày 29 tháng 9 năm 1938, qua đó bàn giao quyền kiểm soát Sudetenland cho Đức.[66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hermann_Göring //nla.gov.au/anbd.aut-an35135939 http://www.historynet.com/lost-prison-interview-wi... http://www.theguardian.com/lifeandstyle/2010/feb/2... http://www.thehistorynet.com http://www.third-reich-books.com/x-567-hermann-goe... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://avalon.law.yale.edu/imt/03-13-46.asp#Goerin... http://avalon.law.yale.edu/imt/03-18-46.asp http://avalon.law.yale.edu/imt/judgoeri.asp